Muốn tìm một không gian làng quê đậm sắc màu xứ Quảng thì không thể bỏ qua vùng Gò Nổi (Điện Bàn). Về Gò Nổi, thì phải quá bước làng Cẩm Phú…
Điểm đến Cẩm Phú đang được vận hành thử nghiệm trước khi ra mắt chính thức vào tháng 5.2022. Ảnh: Q.T
Tìm về bình yên
Gò Nổi cách TP.Đà Nẵng khoảng 30km và TP.Hội An khoảng 15km. Phường Vĩnh Điện (Điện Bàn) và thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cũng gần bãi biền phù sa này, nhưng chạm chân vào Gò Nổi thì mọi sự chộn rộn như tan biến. Chẳng đợi xuân về, hai bên đường vào Gò Nổi luôn phủ đầy hoa đủ sắc màu, đặc trưng của một miền quê nông thôn mới kiểu mẫu.
Lang thang ở Cẩm Phú, rong ruổi qua Bến Phẩm, Bàu Lỡ, Bàu Hà Tre, Bàu Trùm Ngô, bãi bồi Gò Đình đến bãi bồi Gò Nam… đâu cũng có thể bắt gặp khung cảnh yên ả, thanh bình.
Đừng lo nếu lòng vòng trong những cung đường ngoằn ngoèo mà không thấy lối ra, bởi những cụ già, bác nông dân hay trẻ con ở đây đều nhiệt tình hướng dẫn để bạn tìm được đường đi theo ý muốn.
Cánh đồng rau hun hút tầm mắt đến tận chân trời, vườn trái cây, làng hoa, bàu sen sẽ cho khách cảm giác thư thái. Phương tiện trải nghiệm tuyệt vời nhất ở đây có lẽ là xe đạp.
Khi đã thấm mệt, lựa chọn tạt vào chợ Phú Bông hoặc chợ Hà Mật chỉ cách đó vài trăm mét để thưởng thức thức quà quê dân dã, tưởng như chỉ còn trong ký ức tuổi thơ là một trải nghiệm tuyệt vời nữa đáng để du khách khám phá.
Bữa ăn đậm vị quê nhà bên dòng sông Thu. Ảnh: Q.T
Trong một khoảng không gian không quá rộng lớn, nhưng người dân Cẩm Phú cũng như xã Điện Phong bao đời đã chứng minh sự cần mẫn, tài hoa khi sáng tạo, duy trì nhiều nghề truyền thống độc đáo như điêu khắc gỗ nghệ thuật, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, đan mây…
Sau lũy tre làng, Cẩm Phú nói riêng và cả miền quê Gò Nổi nói chung hội tụ đầy đủ giá trị lịch sử – văn hóa – tự nhiên để qua bao năm giữ cho mình bản sắc độc đáo nơi vùng đất lắng đọng phù sa Thu Bồn.
Chỉn chu hơn với du lịch cộng đồng
Ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng ở Cẩm Phú đã hình thành từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư, đối tác nhiệt tình hỗ trợ đều có.
Từ lâu định hướng của Điện Bàn là phát triển Cẩm Phú trở thành một ngôi làng du lịch dựa vào các loại hình dịch vụ từ nông nghiệp sạch, trồng hoa, chế biến dược liệu… Điều đáng quý là khát khao làm du lịch của người dân bản địa, của người trẻ quê nhà để tương lai bảo tồn được giá trị văn hóa làng và người dân sống được với làng.
Anh Nguyễn Phong Lợi (30 tuổi) – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp làng Cẩm Phú chia sẻ: “Có nhiều cách để làm du lịch và chúng tôi chọn làm du lịch để bảo tồn những gì mộc mạc nhất của quê nhà và du khách đến đây cảm nhận được nét đẹp đó”.
Cẩm Phú ngày xuân. Ảnh: Q.T
Những năm trước đây, một số người trẻ tại làng Cẩm Phú đã kết hợp với đơn vị lữ hành khai thác rất tốt các tour tham quan, trải nghiệm nhỏ lẻ và dòng sản phẩm này khá được khách phương Tây ưa chuộng.
Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Emic Travel, đối tác hỗ trợ điểm đến cho rằng, khách nội địa ở các địa phương lân cận, nhất là TP.Đà Nẵng lâu nay thường tìm về Hội An mỗi dịp cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn nhưng hàm lượng trải nghiệm còn ít ỏi, nhất là khách trẻ em.
Điểm đến này ra đời với kỳ vọng sẽ kéo giãn du khách ra vùng ngoại ô, giúp du khách trải nghiệm chân thực nhất đời sống làng quê, tích lũy kỹ năng sống và thay đổi nhận thức về du lịch xanh.
Bà Phan Thị Thái Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH Điện Bàn thông tin, điểm đến Khu du lịch Bến Phẩm (thôn Cẩm Phú 2) vừa được đưa vào vận hành thử nghiệm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Điểm đến này sẽ chính thức ra mắt vào tháng 5.2022 trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022 ở Quảng Nam.
Bao năm, ngôi làng nhỏ nép mình bên sông Thu đẹp mơ màng. Mùa này, Cẩm Phú càng tươi tắn, rộn ràng hơn và đã sẵn sàng mời chào mọi người ghé lại. Ai ơi hãy về Cẩm Phú ngày xuân này!…
QUỐC TUẤN